Tết Ba Miền – Canh Tý 2020
Chỉ còn một tuần nữa là năm Kỷ Hợi sẽ khép lại để chào đón năm Canh Tý, ngay lúc này đây mọi người khắp mọi miền đất nước đều đang hối hả sắm sửa, chuẩn bị để đón một cái Tết thật đầy đủ, trọn vẹn. Bởi sự đa dạng về bản sắc văn hóa và đặc trưng địa lý mà ngày Tết của mỗi vùng miền tuy đều mang đến sự ấm cúng, sum vầy nhưng vẫn có những nét rất riêng không lẫn vào đâu được. Hãy cùng PTG tìm hiểu về những nét đặc trưng của ngày Tết Ba miền để hiểu rõ hơn về phong tục và văn hóa vô cùng đa dạng của nước ta, cũng như biết đâu sẽ giúp bạn có thêm động lực để làm một chuyến Du xuân ở những miền Tổ Quốc mà bạn chưa đặt chân đến.
Đầu tiên là thú chơi hoa Tết, bởi sự khác biệt thời tiết dịp năm mới mà cách người dân mỗi vùng miền chơi hoa lại có nét đặc trưng riêng. Không khí se lạnh của miền Bắc vào những ngày giáp Tết là điều kiện lý tưởng để sắc hồng của Đào khoe sắc. Tết về, đường phố lại bao phủ trong Hoa Đào. Loại Đào được ưa chuộng nhất là Đào Bích với bông to, nhiều cánh, màu đậm. Ngoài ra, nhiều gia đình thường có trưng thêm cây quất với mong ước cho sự trù phú, tài lộc như những tán quất xum xuê. Còn ở miền Trung và miền Nam có tiết trời có phần hanh khô, nóng hơn thì sắc mai vàng thật là lung linh. Mai dễ trồng, dễ ra hoa và thời gian nở dài cả tháng Giêng. Khi Tết về, từ ngoài xóm đến trong nhà, đâu đâu cũng một màu vàng tươi sáng làm bừng cả không gian, mang hàm ý cho sự vinh hiển, thành đạt, tài lộc.
Cách lựa chọn và sắp xếp mâm ngũ quả cũng thể hiện những nét đặc trưng riêng của người dân mỗi vùng miền.
- Sự cầu kỳ, tỉ mỉ tới những chi tiết nhỏ nhặt của người miền Bắc được thể hiện qua sự chọn lọc cẩn thận năm loại quả là chuối xanh, bưởi hay quả phật thủ, cam hay quýt và đào với hàm ý thể hiện cho ngũ hành, sự đơm hoa kết trái, viên mãn, tròn đầy.
- Người miền Nam với tâm hồn phóng khoáng thì lại hay bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, để khi đọc chệch sẽ thành “cầu vừa đủ xài”, với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc. Một số mâm ngủ quả sẽ có thêm quả sung – tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc.
- Không cầu kỳ như miền Bắc hay có ý nghĩa đặc biệt như miền Nam, mâm ngũ quả của người miền Trung thường là có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, trong mâm ngủ quả thường không có chuối xanh mà sẽ là các loại quả ngọt ngào, tròn thơm để cầu mong một năm mới an vui, thuận lợi.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nói về mâm cỗ ngày Tết bởi đây chính là nơi thể hiện rõ nhất sự đa dạng và đặc trưng của từng vùng miền. Sự cầu kỳ và coi trọng bữa ăn gia đình của người miền Bắc tiếp tục được thể hiện qua một mâm cỗ gồm các món ăn như bánh chưng, giò, thịt gà, nem rán, canh măng, dưa hành, thịt đông, xôi gấc… cùng với các chén dĩa được bày biện theo kiểu 4 chén 4 dĩa tượng trưng cho tứ trụ, 4 phương, 4 mùa. Người miền Trung với sự giản dị, mộc mạc được thể hiện qua mâm cỗ gồm các món đơn giản nhưng vẫn phong phú như gà, giò, miến nấu, dưa muối, các món cuốn, xào… Mâm cỗ của người miền Nam thể hiện rõ sự phóng khoáng không câu nệ lễ nghi khi các món ăn ngày Tết lại chỉ là thịt kho tàu, bánh tét, chả nem và khổ qua dồn thịt nhưng bù lại thì vô cùng phủ phê, đầy ắp.
Cuối cùng là phong tục tập quán những ngày đầu năm mới thì người miền Bắc và miền Trung sẽ hay thực hiện tục xông đất cho gia đình, hy vọng năm mới gia đình bình an. Ngoài ra thì người miền Bắc còn đi lễ chùa, hái lộc đầu năm, xin chữ ông đồ vào mùng 1 Tết. Người miền Nam thì lại có tục lì xì cho trẻ nhỏ dịp đầu năm để lấy may, mong trẻ mau ăn chóng lớn, mọi sự được như ý. Chính nhờ ý nghĩa mang đến niềm vui, tốt lành, may mắn mà tục lì xì đã lan ra nhiều vùng miền khắp cả nước.